Giá vàng Việt Nam cao hơn thế giới: Lợi nhuận vào túi ai?
Một chuyên gia trong ngành “tiết lộ”: Ngoài những khoản phí vận chuyển, phí gia công (thuế nhập khẩu vàng hiện tại là 0%), chỉ cần làm một phép tính nhẩm cũng có thể biết khoản lợi nhuận kếch xù mà những nhà nhập khẩu vàng thu được trên mỗi tấn vàng nhập về.
Mỗi tấn vàng nhập khẩu về Việt Nam lãi hàng tỷ đồng?
Có thể nói, được sự hỗ trợ bởi đà tăng của giá vàng thế giới, thời gian qua, giá vàng trong nước đã đạt những mốc cao nhất trong lịch sử. Hiện vàng giữ ở ngưỡng giá cao và so với giá thế giới quy đổi, giá trong nước vẫn đắt hơn từ 500.000 – 800.000 đồng/lượng.
Đánh giá nguyên nhân của cơn sốt giá trên thị trường vàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Không loại trừ khả năng các đối tượng đầu cơ muốn đẩy giá lên cao để tạo sức ép với cơ quan quản lý. Để tạo thanh khoản cho thị trường, ngày 9/11, người đứng đầu NHNN đã chính thức tuyên bố cấp quota nhập khẩu với số lượng phù hợp nếu doanh nghiệp có nhu cầu.
Việc cho phép nhập khẩu vàng nhằm thỏa mãn lượng cầu trong nước nhưng vàng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức giá cao. Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng một món lợi kếch xù đã rơi vào tay các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng? Liệu vẫn còn quota theo con đường chính ngạch và nhiều đơn vị nhập khẩu vàng lậu?
Có thể nhẩm tính 1 tấn vàng = 1.000.000 grams vàng, 1 lượng vàng = 37,5 grams. Như vậy, một tấn vàng tương đương xấp xỉ 26.667 lượng. Hiện mỗi lượng vàng trong nước chênh 800.000 đồng so với giá thế giới quy đổi, dễ thấy, mỗi tấn vàng nhập về lãi lên đến hàng tỷ đồng, lợi nhuận thu về không hề nhỏ.
Vừa qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Trước đó, năm 2005, Hiệp Hội kinh doanh vàng VN (VGTA) cũng đã đề xuất thành lập hai trung tâm giao dịch vàng từ trước khi có các sàn giao dịch vàng phát triển. Mục tiêu cho ra đời hai trung tâm giao dịch vàng nhằm kiểm soát lượng vàng giao dịch và theo dõi giá cả trên thị trường, góp phần bình ổn giá vàng trên thị trường Việt Nam và là đầu mối của các hoạt động giao dịch vàng trên thị trường theo cơ chế thỏa thuận giá.
Trong thời gian tới, vàng sẽ lưu trú vào đâu?
Tuần qua, cùng với việc giảm lãi suất tiết kiệm vàng, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại chuyển hình thức nhận vàng dưới dạng phát hành chứng chỉ tiền gửi. Người mua chứng chỉ này xem như một hình thức đầu tư vốn, do vậy phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 5% trên tiền lãi theo quy định. Ngân hàng sẽ khấu trừ luôn 5% thuế trước khi trả lãi. Những người gửi vàng dưới dạng sổ tiết kiệm vẫn được nhận trọn lãi.
Anh Hoàng Hữu Định, phụ trách kinh doanh của Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu nhận xét: Thực ra, lượng vàng trong dân nắm giữ khá lớn, đa số người dân mua trong khoảng thời gian ngắn rồi bán hoặc mua với mục đích dài hạn để đảm bảo giá trị đồng vốn.
Quy định trên của Nhà nước là một biện pháp bình ổn giá khi giá vàng biến động khó lường, hơn nữa, nhằm hạn chế thói quen mua vàng để cất trữ, định giá, thanh toán dường như đã “ăn sâu vào máu” của người dân. “Nó sẽ một phần nào ảnh hưởng tới NĐT, nhưng không biết là chiều hướng tốt hay xấu” – anh Định nói.
Theo nhiều ngân hàng, do lãi suất vàng hiện khá thấp, nay lại bị đánh thuế TNCN xem như hạn chế người dân gửi vàng. Một số ngân hàng hướng dẫn khách hàng chuyển vốn vàng thành VND gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao hơn, lại không phải đóng thuế nhưng ít người đồng ý.
Với việc áp dụng thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước ngày 29/10, người dân không được khuyến khích giữ vàng bởi họ phải trả 5% thuế thu nhập khấu trừ tại nguồn. Vậy trong tương lai, họ sẽ sử dụng vàng với mục đích gì và cất giữ ở đâu?
Theo ý kiến của đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý: Có một số khả năng xảy ra như sau: Thứ nhất, người dân sẽ cất ở nhà. Thứ hai là khi cần, họ sẽ bán cho các tiệm vàng. Theo đó, nguồn vàng ấy sẽ nằm ở các tiệm vàng của các ngân hàng. Nhưng điều đáng nói là: các tiệm vàng không thể có nhiều tiền mua vàng để cất giữ trong nhà. Người có nhiều tiền nhất để cất được trong kho đó chính là NHNN.
Nhiều người tiêu dùng cũng đặt ra câu hỏi: Bao giờ NHNN sẽ làm được điều đó? Liệu Sở giao dịch vàng quốc gia trong tương lai có phải giúp cho Nhà nước thực hiện điều này hay không? Trong khi, việc hạn chế các ngân hàng thương mại huy động vốn bằng vàng cộng với việc không được xuất khẩu chẳng khác nào “nhận vàng vào là nhận vốn chết”.