Chuyển giao công nghệ là gì theo quy định của pháp luật? Xoay quanh chuyển giao công nghệ có những quy định nào điều chỉnh trực tiếp vấn đề này?
Chuyển giao công nghệ là gì?
Chuyển giao công nghệ được hiểu là quá trình thực hiện việc chuyển giao các kỹ năng, kiến thức, công nghệ, phương pháp sản xuất,…để đảm bảo sự phát triển.
Khái niệm chuyển giao công nghệ được khái quát hóa tại khoản 7 Điều 2 Luật chuyển gia công nghệ 2017. Theo đó, chuyển nhượng công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
Việc chuyển nhượng công nghệ bao gồm:
– Chuyển giao công nghệ trong nước: là việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.
– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam.
– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là việc chuyển giao công nghệ từ lãnh thổ Việt Nam qua biên giới ra nước ngoài.
Quyền chuyển giao công nghệ
Hiểu được bản chất của chuyển giao công nghệ rồi nhưng không biết là cá nhân, tổ chức nào có quyền chuyển giao? Liệu cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng công nghệ đó có được phép chuyển giao hay không? Câu trả lời có trong Điều 7 Luật chuyển giao công nghệ 2017, đó là:
– Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
– Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng công nghệ được chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác khi chủ sở hữu công nghệ đồng ý.
– Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm:
+ Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ;
+ Quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba.
Đối tượng công nghệ được chuyển giao
Tiếp theo các quy định về chuyển giao công nghệ là các đối tượng pháp luật cho phép được chuyển giao. Điều 4 Luật chuyển giao công nghệ 2017 quy định cụ thể các đối tượng đó bao gồm:
– Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;
– Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
– Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
– Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định trên.
Trường hợp đối tượng công nghệ này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Hình thức chuyển giao công nghệ
Sau khi xem xét công nghệ của mình có thuộc đối tượng được phép chuyển giao hay không, các bên tiến hành xem xét và lựa chọn một trong các hình thức chuyển giao dưới đây.
– Chuyển giao công nghệ độc lập.
– Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
+ Dự án đầu tư;
+ Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
+ Góp vốn bằng công nghệ;
+ Nhượng quyền thương mại;
+ Mua, bán máy móc, thiết bị quy định.
– Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Về phương thức chuyển giao
Các bên có thêt thực hiện việc chuyển giao công nghệ dưới một trong các phương thức quy định tại Điều 6 Luật chuyển giao công nghệ 2017. Bao gồm:
– Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận.
– Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
– Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ.
– Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.
– Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.